- On 28/03/2023
- In Blogs Travel Tips
- Tags:
Discover the imprints of Chinese history in the capital Beijing
Trung Quốc đất nước thiên nhiên cẩm tú tráng lệ, có nền văn hóa 3.500 năm rực rỡ thu hút hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm.
Di Hòa Viên:
Di Hòa Viên còn được gọi là cung điện mùa hè, được xây dựng dưới triều Thanh với diện tích hơn 2.900 mét vuông. Nằm cách thủ đô Bắc Kinh 15km về phía Tây Bắc, đây là lâm viên giữ được nguyên vẹn hầu hết các kiến trúc, hiện vật duy nhất còn tồn tại đến ngày nay trong “tam cung ngũ viên” của triều đại phong kiến Trung Quốc.
Di Hòa Viên dịch ra có nghĩa là “nơi nuôi dưỡng sự an hòa”, là nơi các vị vua và các hoàng thân quốc thích đến vui chơi, giải trí. Di Hòa Viên nằm bên cạnh núi Vạn Thọ cao vút và hồ Côn Minh có màu nước xanh ngọc bích quanh năm. Nhìn từ trên cao xuống, Di Hòa Viên như một hòn đảo ngọc, bao quanh là núi và hồ nước, biểu tượng cho ý nghĩa trường tồn cùng thời gian.
Vạn Lý Trường Thành
Công trình được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1987 và là một trong những công trình vĩ đại nhất của Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung. Vạn Lý Trường Thành có thể nói là một trong những kỳ quan nhân tạo lâu đời nhất và hùng vĩ nhất còn tồn tại đến ngày nay, biểu tượng của nền văn minh Trung Quốc cổ đại.
Với lịch sử hơn 2.500 năm, Vạn Lý Trường Thành đã chứng kiến sự thịnh suy, thăng trầm của biết bao triều đại Trung Hoa. Những vương triều hùng mạnh rồi suy tàn, những anh hùng xuất chinh rồi ra đi, thế gian luân hồi bao nhiêu đời, sương sa bão táp bấy nhiêu năm, bức trường thành vẫn uy nghi, sừng sững ở đó như một người cận vệ trung thành, chứng kiến thế cuộc, lịch sử cứ thế xoay vòng.
Sân vận động tổ chim
Sân vận động Quốc gia Bắc Kinh hay còn được gọi là sân vận động tổ chim nằm ở trung tâm công viên Olympic Bắc Kinh, làng Olympic Green, quận Triều Dương (Chaoyang), Bắc Kinh. Sân vận động được thiết kế bởi 2 kiến trúc sư người Thụy Sĩ Jacques Herzog, Pierre de Meuron và kiến trúc sư Trung Quốc Lý Hưng Cương, với những khung thép được kéo thẳng tạo hình dáng tổ chim tự nhiên nhất.
Công trình tổ hợp kiến trúc này được xây dựng vô cùng hoành tráng với sức chứa lên đến 91.000 người để phục vụ cho thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2008 như là sân khai mạc chính, đường đua, sân cho môn bóng đá, ném tạ… Sau khi Olympic 2008 kết thúc, nơi này vẫn được sử dụng làm nơi tổ chức các sự kiện giải trí, thi đấu thể thao trong và ngoài nước, và để cho khách du lịch tham quan.
Quảng trường Thiên An Môn
Quảng trường rộng lớn bậc nhất thế giới nằm ở thủ đô Bắc Kinh. Nó được đặt tên theo Thiên An Môn tức “cổng thành phía Bắc” chia cách quảng trường với Tử Cấm Thành. Thiên An Môn mỗi năm thu hút hàng triệu du khách ghé thăm. Không chỉ nổi tiếng với nghệ thuật kiến trúc tuyệt đẹp, Thiên An Môn còn có giá trị văn hóa và giá trị lịch sử to lớn.
Tử Cấm Thành
Tử Cấm Thành từng là hoàng cung và nơi cư trú mùa đông của các Hoàng đế Trung Hoa từ thời nhà Minh (bắt đầu từ Vĩnh Lạc Đế) tới cuối thời nhà Thanh, từ năm 1420 đến năm 1924. Đây vừa là nhà của các Hoàng đế cùng gia đình, vừa là trung tâm tổ chức nghi lễ và chính trị của chính phủ Trung Quốc trong suốt 500 năm.
Tử Cấm Thành gồm 980 tòa nhà, được cho là có 9.999 phòng và chiếm diện tích 72 ha. Không những được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1987, Tử Cấm Thành còn được tổ chức này xếp vào danh sách các công trình kiến trúc cổ bằng gỗ được bảo tồn lớn nhất thế giới. Tại đây, du khách sẽ như được sống lại trong những thời kỳ huy hoàng của một Trung Hoa phong kiến lẫy lừng.
Điện Thiên Đàn
Công viên Thiên Đàn (The Temple of Heaven) được xây dựng từ năm 1420, từng là đàn tế Trời với kiến trúc độc đáo giữa lòng thủ đô Bắc Kinh Trung Quốc. Từng được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1988, đến với Thiên Đàn, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những kiệt tác công trình của Trung Quốc cổ đại, mà còn cảm nhận tín ngưỡng, giá trị văn hóa ẩn giấu trong kiến trúc hoành tráng nơi đây.
Đường Tiền Môn
Có thể nói đây là một trong những tuyến đường thương mại nổi tiếng nhất Bắc Kinh, xuất phát từ Chính Dương Môn đến giao lộ Thiên Kiều, nối với tuyến đường Nam Thiên Kiều với chiều dài tổng cộng 845m. Tên gọi này “Chính Dương Môn” được sử dụng từ thời nhà Minh cho đến thời nhà Thanh, tuy nhiên người dân lại quen thuộc với tên đường Tiền Môn và đã được lấy tên chính thức từ năm 1965.
Ngày nay, cùng với việc bảo tồn các quầy hàng và các mặt hàng lâu đời, nhiều cửa hàng mới bày bán các loại quần áo, thức ăn, đồng hồ cũng dần mở ra. Khi đến đây, du khách sẽ được tìm hiểu về văn hóa địa phương Trung Quốc. Bên cạnh đó, ẩm thực cũng đóng vai trò chủ đạo tại con đường Tiền Môn trong đó phải kể tên món vịt nướng giữ vai trò chủ đạo, và hơn 400 món ăn đặc biệt được phục vụ.